Hiển thị các bài đăng có nhãn Ý tưởng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ý tưởng. Hiển thị tất cả bài đăng

23 tháng 4 2013

Viễn cảnh giáo dục từ sự trăn trở của một kẻ lười biếng

Sáng nay, ở nhà xem hết clip dài hơn 1h đồng hồ của một học sinh lớp 12 nói lên những chính kiến của mình về nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Với những lập luận sắc đáng, giọng điệu hùng hồn, em đã thực sự lôi cuốn tôi và cho tôi thấy được hình ảnh của mình 4 năm về trước. 
Đúng như nhận định của em, học hết lớp 9 tôi đã nhận thức được mình thích gì, mình có thể làm được những gì và mình nên sống như thế nào. Nhưng để thoát được khỏi những định kiến xã hội cũng như những áp lực từ gia đình và nhà trường thật khó khăn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn đau đáu câu hỏi, mình đã đủ lớn chưa? Mình đã đủ trưởng thành chưa? Mình đã đủ dũng cảm để bước đi trên con đường của riêng mình chưa? Và ngay lúc này, khi sắp kết thúc 4 năm đại học, tôi vẫn chưa giám rẽ sang con đường của riêng mình. (Nhưng bạn đừng hiểu lầm là tôi bỏ cuộc, tôi vẫn làm nó song song với những gì mà xã hội đang cuốn tôi theo).


Xem xong clip của em, trong tôi bỗng rực lên 1 viễn cảnh mới cho nền giáo dục.

Trích 1 câu trong clip của em: "Tại sao con người sinh ra là khác nhau mà lại phải làm việc giống nhau?". Dưới cái nhìn của một sinh viên kinh tế, tôi nhận thấy "Tại sao nhu cầu của con người là khác nhau mà lại được bao cấp những thứ giống nhau" - đây là viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam thời bao cấp. Sau chuyển đổi năm 1986, Việt Nam đã có một bộ mặt hoàn toàn mới cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Bởi vậy, tôi đặt câu hỏi: "Tại sao không chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam như vậy?" - Ý tôi là thị trường hóa nền giáo dục Việt Nam.

Tôi tạm thời đồng ý với việc một học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản đến hết lớp 9 (tất nhiên để đạt được điều này thì SGK cấp THCS cũng phải có thay đổi). Nói chung là chọn một mốc mà các em học sinh đã có thể nhận thức được mình đam mê cái gì, mình có thể làm cái gì. Khi bước vào học phổ thông, đó sẽ là một môi trường tự do hơn cho các em.

Hãy hình dung các môn học như là những hàng hóa, giáo viên là người bán hàng và học sinh là người mua hàng. Hàng hóa thì có loại A, loại B, loại C tương tự như một môn học thì có 3 lớp 10, 11, 12. Người bán hàng, có người bán tốt có người không, cũng như giáo viên có người truyền được cảm hứng cho học sinh tốt, thu hút được nhiều học sinh, có người kém hơn sẽ phải tìm cách nâng cao chất lượng. Học sinh có thể yêu thích mặt hàng này nhiều hơn mặt hàng kia, đó là sự lựa chọn của khách hàng. Nhiệm vụ của người bán hàng là làm thế nào để nhiều người yêu quý hàng hóa của mình.

Bước vào năm học mới, trong buổi sinh hoạt tập thể toàn trường, các giáo viên (những người bán hàng) có cơ hội thuyết trình về sản phẩm của mình làm thế nào để tạo được cảm hứng cho khách hàng, làm thế nào để có nhiều người mua hàng hóa của mình cũng như có nhiều người đăng kí học môn học đó.

Về phần sinh viên, hoàn toàn có thể đăng kí các môn học mà mình yêu thích và có thể đăng kí trọng số điểm các môn học theo khả năng của bản thân. VD: 1 sinh viên đăng kí học 3 môn Toán, Văn, Anh, tự thấy mình có khả năng về Toán nhất sau đó đến Văn và cuối cùng là Anh thì có thể đánh trọng số điểm Toán x3, điểm Văn x2 và điểm Anh x1....

Nền kinh tế thị trường luôn tồn tại khuyết tật và cũng cần phải khắc phục giống như nền giáo dục trong viễn cảnh. Sẽ có các môn học mà sinh viên không cần phải đăng kí (vì có thể sẽ rất ít người đăng kí hoặc môn học đó thực sự cần được sinh viên tiếp thu nhưng không thể đánh giá được qua điểm chác) như môn Giáo dục công dân, Sức khỏe, Giáo dục quốc phòng,...

Vậy đánh giá sinh viên ra trường bằng cách nào? Theo tôi, mọi sinh viên đều có thể tốt nghiệp THPT mà không cần phải xếp loại TB, Khá hay Giỏi. Bậc THPT hãy dạy cho các em các học như thế nào để sau này ra đời các em có thể tự học với ý thức tự giác của mình mà không cần ai kìm kẹp. Bậc THPT sẽ là nơi vẽ ra rất nhiều con đường cho các em lựa chọn. Bậc THPT sẽ là nơi ươm mầm những tài năng mà nó sẽ được phát triển ở Đại Học.

Trong clip tôi rất thích câu: "Hãy đưa tất cả lên cao rồi bạn sẽ thấy ai có thể bay được" - Hãy đưa các em ra cuộc sống rồi bạn sẽ thấy các em bay như thế nào.

Viễn cảnh vẫn đang là viễn cảnh thôi, mình đang vẽ ra không hi vọng được ghi nhận nhưng nếu có cơ hội mình sẽ biến nó thành hiện thực. :)