Đối với những người thường xuyên sử dụng Office để soạn thảo văn bản, làm luận án, luận văn, nghiên cứu khoa học,... thì việc gặp các vấn đề về font chữ là điều rất bình thường. Đặc biệt là khi chúng ta lấy 1 tài liệu gì đấy từ trên mạng về để đọc và tham khảo. Sau đây tôi xin giới thiệu cho các bạn cách giải quyết một vài vấn đề về font chữ thường gặp.
1. Bạn muốn copy 1 đoạn văn ở đâu đó về trình soạn thảo văn bản của mình nhưng copy về lại bị lỗi, không đọc được dù bạn có đổi font chữ kiểu nào đi chăng nữa. Đơn giản thôi, bởi vì vấn đề không nằm ở font chữ mà nằm ở mã font chữ (mã font chữ là Unicode, TCVN3, VNI Windows,...). Bạn làm theo các bước sau:
- B1: Copy đoạn văn bản bạn muốn chuyển đổi
- B2: Nếu bạn đang dùng Unikey thì bạn có thể bấm luôn tổ hợp phím Ctrl + SHIFT + F6
- B3: Chọn mã nguồn, chọn mã đích.
- B4: Sau đó bấm chuyển mã
- B5: Bây giờ bạn có thể paste đoạn văn vào đâu thì tùy bạn.
2. Bạn có hẳn 1 file word bị sai mã font chữ và bạn cũng copy toàn văn bản (ctrl + A) rồi làm theo các bước trên nhưng không được? Với Unikey từ 3.5 trở lên có chế độ hỗ trợ cho bạn nếu bạn muốn chuyển đổi cả file word.
- B1: Trước tiên, bạn phải mở file word lên và save as... lại dưới dạng đuôi *.rtf
- B2: Sau đó bấm tổ hợp phím Ctrl + Shift + F6
- B3: Bảng Unikey Toolkit xuất hiện như bên dưới.
- B4: Ở file nguồn bạn mở file *.rtf
- B5: Ở file đích, bạn lưu file có đuôi *.rtf
- B6: Bấm chuyển mã và chờ kết quả.
Trên đây là kinh nghiệm của mình sau 1 ngày vật vã làm bài tiểu luận. Hi vọng nó có ích cho các bạn.
Sáng nay, ở nhà xem hết clip dài hơn 1h đồng hồ của một học sinh lớp 12 nói lên những chính kiến của mình về nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Với những lập luận sắc đáng, giọng điệu hùng hồn, em đã thực sự lôi cuốn tôi và cho tôi thấy được hình ảnh của mình 4 năm về trước.
Đúng như nhận định của em, học hết lớp 9 tôi đã nhận thức được mình thích gì, mình có thể làm được những gì và mình nên sống như thế nào. Nhưng để thoát được khỏi những định kiến xã hội cũng như những áp lực từ gia đình và nhà trường thật khó khăn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn đau đáu câu hỏi, mình đã đủ lớn chưa? Mình đã đủ trưởng thành chưa? Mình đã đủ dũng cảm để bước đi trên con đường của riêng mình chưa? Và ngay lúc này, khi sắp kết thúc 4 năm đại học, tôi vẫn chưa giám rẽ sang con đường của riêng mình. (Nhưng bạn đừng hiểu lầm là tôi bỏ cuộc, tôi vẫn làm nó song song với những gì mà xã hội đang cuốn tôi theo).
Xem xong clip của em, trong tôi bỗng rực lên 1 viễn cảnh mới cho nền giáo dục.
Trích 1 câu trong clip của em: "Tại sao con người sinh ra là khác nhau mà lại phải làm việc giống nhau?". Dưới cái nhìn của một sinh viên kinh tế, tôi nhận thấy "Tại sao nhu cầu của con người là khác nhau mà lại được bao cấp những thứ giống nhau" - đây là viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam thời bao cấp. Sau chuyển đổi năm 1986, Việt Nam đã có một bộ mặt hoàn toàn mới cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Bởi vậy, tôi đặt câu hỏi: "Tại sao không chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam như vậy?" - Ý tôi là thị trường hóa nền giáo dục Việt Nam.
Tôi tạm thời đồng ý với việc một học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản đến hết lớp 9 (tất nhiên để đạt được điều này thì SGK cấp THCS cũng phải có thay đổi). Nói chung là chọn một mốc mà các em học sinh đã có thể nhận thức được mình đam mê cái gì, mình có thể làm cái gì. Khi bước vào học phổ thông, đó sẽ là một môi trường tự do hơn cho các em.
Hãy hình dung các môn học như là những hàng hóa, giáo viên là người bán hàng và học sinh là người mua hàng. Hàng hóa thì có loại A, loại B, loại C tương tự như một môn học thì có 3 lớp 10, 11, 12. Người bán hàng, có người bán tốt có người không, cũng như giáo viên có người truyền được cảm hứng cho học sinh tốt, thu hút được nhiều học sinh, có người kém hơn sẽ phải tìm cách nâng cao chất lượng. Học sinh có thể yêu thích mặt hàng này nhiều hơn mặt hàng kia, đó là sự lựa chọn của khách hàng. Nhiệm vụ của người bán hàng là làm thế nào để nhiều người yêu quý hàng hóa của mình.
Bước vào năm học mới, trong buổi sinh hoạt tập thể toàn trường, các giáo viên (những người bán hàng) có cơ hội thuyết trình về sản phẩm của mình làm thế nào để tạo được cảm hứng cho khách hàng, làm thế nào để có nhiều người mua hàng hóa của mình cũng như có nhiều người đăng kí học môn học đó.
Về phần sinh viên, hoàn toàn có thể đăng kí các môn học mà mình yêu thích và có thể đăng kí trọng số điểm các môn học theo khả năng của bản thân. VD: 1 sinh viên đăng kí học 3 môn Toán, Văn, Anh, tự thấy mình có khả năng về Toán nhất sau đó đến Văn và cuối cùng là Anh thì có thể đánh trọng số điểm Toán x3, điểm Văn x2 và điểm Anh x1....
Nền kinh tế thị trường luôn tồn tại khuyết tật và cũng cần phải khắc phục giống như nền giáo dục trong viễn cảnh. Sẽ có các môn học mà sinh viên không cần phải đăng kí (vì có thể sẽ rất ít người đăng kí hoặc môn học đó thực sự cần được sinh viên tiếp thu nhưng không thể đánh giá được qua điểm chác) như môn Giáo dục công dân, Sức khỏe, Giáo dục quốc phòng,...
Vậy đánh giá sinh viên ra trường bằng cách nào? Theo tôi, mọi sinh viên đều có thể tốt nghiệp THPT mà không cần phải xếp loại TB, Khá hay Giỏi. Bậc THPT hãy dạy cho các em các học như thế nào để sau này ra đời các em có thể tự học với ý thức tự giác của mình mà không cần ai kìm kẹp. Bậc THPT sẽ là nơi vẽ ra rất nhiều con đường cho các em lựa chọn. Bậc THPT sẽ là nơi ươm mầm những tài năng mà nó sẽ được phát triển ở Đại Học.
Trong clip tôi rất thích câu: "Hãy đưa tất cả lên cao rồi bạn sẽ thấy ai có thể bay được" - Hãy đưa các em ra cuộc sống rồi bạn sẽ thấy các em bay như thế nào.
Viễn cảnh vẫn đang là viễn cảnh thôi, mình đang vẽ ra không hi vọng được ghi nhận nhưng nếu có cơ hội mình sẽ biến nó thành hiện thực. :)
Anh vẫn thấy là anh không thích nói. Anh không chúc gì em cả, cũng chả viết cho em 1 cái thiếp nào. Nhưng anh cũng thấy rằng, anh ko cần phải nói nữa. :)
1 cái clip cả nhà làm cho em
Món quà sinh nhật anh tự làm cho em bởi vì cái đồng hồ của em đã ko đứng vững nữa rồi.
Món ăn trưa do Quyết đạo diễn và được gọi là Bánh Khoái
(không có ảnh cái bánh lúc sáng của Bi)
Bình là Linh là đôi bạn thân từ hồi còn đi học. Bình vốn thông minh, lanh lợi nên luôn có những phát kiến sáng suốt trong tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn và luôn được mọi người ghi nhận. Trong khi đó, Linh được ghi nhận là một con người chân tay hơn là một con người đầu óc như Bình. Bởi vậy, Bình luôn được mọi người đánh giá cao hơn Linh trong tất cả mọi việc. Bình biết vậy và Linh cũng biết vậy. Nhưng hai người vẫn luôn là bạn tốt của nhau.
Thời còn đi học, cùng 1 bài toán, Bình luôn là người đề xuất ra cách giải hay. Còn Linh luôn là người tiếp thu và ghi chép. Bình không bao giờ chép lại những bài mình đã làm được. Linh hỏi Bình,
- Sao cậu không ghi lời giải vào? Nhỡ hôm sau quên thì sao?
- Giải ra đến đấy rồi, chẳng lẽ phải viết chi tiết ra mới gọi là giải sao? - Bình trả lời - Vả lại, bài này là bài tớ giải được rồi thì tớ ghi làm gì nữa. Cậu không giải được thì cậu mới phải ghi vào cho nhớ.
Linh cười như vỡ lẽ ra rằng "Đúng rồi, mình không giải được nên mình phải chép cho nhớ cách giải".
Sau khi cả 2 đã trưởng thành, Bình vẫn luôn tỏ ra thông minh hơn người, cậu ấy luôn tỏ ra hiểu biết ở rất nhiều lĩnh vực và thường đưa ra những lời khuyên rất hữu ích cho những người xung quanh. Tất nhiên, Linh luôn là người nhận được nhiều lời khuyên từ Bình nhất. Và một điều khác hẳn với Bình đó là Linh luôn thực hiện theo những chỉ dẫn của Bình trong cuộc sống cũng như trong công việc kinh doanh, còn Bình thì không. Bình luôn biết mình phải làm gì, phải làm như thế nào, nhưng cậu ấy không hành động. Bởi có lẽ, những việc nhỏ quá cậu ấy đã biết cách làm, còn những việc lớn quá thì... cậu ấy không làm được.
Tương lai sau đó ... (hãy để trí tưởng tượng của các bạn được bay bổng)
*Tên nhân vật đã được thay đổi*
----------------------
Bạn có tự tin để nói rằng, mình đã từng đọc hết 1 cuốn sách? Chắc là có. Nhưng bạn hãy hiểu sâu hơn từ "đọc" mà tôi muốn nói. "Đọc" không chỉ là thấu hiểu hết từng trang sách, mà hãy hành động theo những gì mình đã thu nhận được. Nếu bạn biết, bạn biết, cái gì bạn cũng biết, thì có thể hiểu là bạn không biết gì vì bạn chưa bao giờ hành động.
Đã bao giờ bạn xem xong 1 đoạn clip (ví dụ clip này chẳng hạn https://www.youtube.com/watch?v=lPBozeVtli4), bạn hừng hực khí thế thay đổi cuộc đời. Nhưng khi bước ra khỏi phòng, thậm chí là nhấc mông khỏi ghế, clip đấy sẽ chỉ còn là "tôi cũng biết như vậy".
----------------------
Tối nay, tôi đã nghiêm túc ngồi đọc một bản thông báo tuyển dụng, nghiêm túc ngồi sửa lại CV mà tôi đã viết sẵn từ trước, nghiêm túc viết 1 là đơn xin việc. Sau khi làm xong tôi mới nhận ra rằng, trước đây, tôi chưa bao giờ nghiêm túc với việc tìm 1 công việc. Trước đây, tôi đọc tất cả các thông báo tuyển dụng, tôi chỉ quan tâm đến lĩnh vực và lương, chỉ cần phù hợp là tôi lấy ngay địa chỉ email để nộp hồ sơ. Gọi là hồ sơ cho hoành tráng nhưng cũng chỉ có mỗi cái CV và 1 cái ảnh cá nhân mà gửi cho chỗ nào cũng như chỗ nào.
Kết quả là cũng có vài chỗ gọi đến phỏng vấn, nhưng phỏng vấn xong tôi cũng thấy ra mình ngớ ngẩn vì chả biết tí gì về nơi tôi xin việc thì làm sao mà tôi xin được việc. Làm sao mà người ta có thể quan tâm đến mình khi mình không quan tâm đến người ta.
Tôi biết, để được chọn, tôi phải có hồ sơ đầy đủ, đơn xin việc rõ ràng, trang phục lúc phỏng vấn phải nghiêm chỉnh và có 1 lượng kiến thức nhất định về nơi tôi phỏng vấn. Nhưng tôi đã không làm. Tại sao ư? Vì đơn giản nó đã trở thành thói quen của tôi, "LƯỜI".
Nếu nhận thức được điều này sớm hơn thì có lẽ tôi đã không cần phải chờ đến lúc ra trường để đạt được thành công.
Với công việc đầu tiên sau khi thức dậy là đánh răng, rửa mặt, uốn éo vài cái gọi là thể dục buổi sáng, rồi thì chậu quần áo chất đống từ hôm qua, một tí bánh rán cho bữa sáng,... Tất cả đều lần lượt được giải quyết để bắt đầu 1 việc mà ngày nào cũng vậy, bất kể chủ nhật hay ngày thường, đó là bật máy tính lên và xem thế giới ngày hôm qua có gì thay đổi không?
Tình cờ phát hiện ra 1 cái blog, của 1 thằng bạn. Thật thú vị! Đó là 1 thằng bạn thân từ hồi cấp 3, một con người năng động, tuyệt vời với những ước mơ không hề bé nhỏ. Vào blog của nó và đọc ngấu nghiến. Xưa nay đã biết nó như thế nào, nhưng đọc blog của nó mới thấy là con người nó không hề bé nhỏ. Mình cũng có blog, cũng muốn viết lách một vài điều gì đó. Nhưng mình chưa thực sự bắt tay vào làm một cách nghiêm túc như nó. Mình muốn viết lên những suy nghĩ của mình, lưu lại những trải nghiệm, chia sẻ những ý tưởng ngay trên blog của mình. Nhưng tất cả chỉ là ước muốn, còn bạn mình đã bắt tay vào làm từ lâu rồi.
Thế mới thấy mình thật nhỏ bé.
Thế mới thấy mình thật chậm chạp.
Thế mới thấy độ ì của mình cũng cao.
Vẫn luôn nhớ câu: "Hành động chiến thắng không hành động", nhưng thực hiện thật không phải dễ.
Sáng hôm nay, đã cho mình động lực để hành động.
Sáng hôm nay, đã cho mình quyết tâm để hành động.
Sáng hôm nay, đã cho mình thấy mình cần phải hành động.
Trong chút nắng, chút gió giao mùa của tháng 3, những chàng trai – cô gái QH-2009-E KTCT vừa thực hiện xong bộ ảnh kỷ yếu đẹp long lanh lưu lại những kỉ niệm đáng nhớ nhất của thời sinh viên.
Kỳ học cuối cùng sắp kết thúc, những ngày tháng cuối cùng của đời sinh viên đang dần trôi qua thật nhanh. Mới đó mà đã 4 năm đại học. Mới ngày nào còn chập chững, ngơ ngác cầm trên tay bộ hồ sơ đi nhập trường, thì nay họ đã trở thành anh cả, cánh chim đầu đàn của các thế hệ sau.
Rồi mai đây, mỗi người một phương, biết khi nào mới có dịp đoàn tụ? Những kỉ niệm vui buồn bên nhau dưới ngôi nhà chung Kinh tế Chính trị là những phút giây vô cùng quý giá mà tất cả sinh viên K54 đều muốn lưu giữ lại. Những nụ cười hạnh phúc, những cái nắm tay, những cái ôm thật chặt, tất cả đều được lưu lại trong bộ ảnh kỷ yếu này.
Má hồng, môi xinh, tà áo dài tha thướt, những nữ sinh QH-2009-E KTCT vô cùng duyên dáng trong những bức ảnh lưu lại thời khắc tươi đẹp dưới mái trường.
Tà áo dài thướt tha, rực rỡ khắp sân trường khiến bất kỳ ai cũng phải xao xuyến.
Mái trường cũng là nơi lưu dấu những tình bạn thật đẹp.
Chẳng bao lâu nữa, mỗi người sẽ chọn cho mình một cuộc sống riêng, nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ này sẽ là hành trang quý giá đi theo họ suốt cuộc đời. Xin mượn lời của cô tân cử nhân Bùi Thu Thảo thay cho lời kết: “Yêu thương đôi khi không phải nói lên thành lời hay biểu đạt bằng câu chữ... Những ngày tháng ấy đã, đang và sẽ là động lực để chúng tôi cùng viết tiếp những dòng hạnh phúc của cuộc đời. Hãy luôn mỉm cười như vậy nhé, và cho tôi tạm đặt tên cho những kỷ niệm này là yêu thương...”